Theo đề xuất của Bộ Tư pháp, người dân có thể ngồi tại nhà vẫn thực hiện được công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch cần thiết.
Bộ Thư Pháp đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo luật Công chứng (sửa đổi). Dự án luật này do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, có nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung mang tính toàn diện so với quy định hiện hành tại luật Công chứng năm 2014.
Trong số trên, dự thảo đưa ra một số quy định về công chứng điện tử, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng.
Bộ Tư pháp đề xuất nhiều quy định về công chứng điện tử
Theo dự thảo, công chứng điện tử là việc công chứng viên sử dụng chữ ký số chứng nhận hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử tạo ra văn bản công chứng điện tử; cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc là tập hợp các dữ liệu công chứng trên phạm vi toàn quốc được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử…
Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký bằng chữ ký số và có xác nhận của cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc.
Công chứng điện tử bao gồm 2 quy trình: trực tiếp hoặc trực tuyến. Đối với công chứng điện tử trực tiếp, các bên ký kết văn bản hợp đồng, giao dịch theo quy trình công chứng thông thường trên bản giấy; công chứng viên (CCV) sẽ số hóa văn bản hợp đồng mà các bên đã ký kết thành file điện tử, dùng chữ ký số ký chứng nhận giao dịch để tạo thành văn bản công chứng điện tử.
Đối với công chứng điện tử trực tuyến, các bên không đến tổ chức hành nghề công chứng mà gửi toàn bộ dự thảo hợp đồng, giao dịch và các giấy tờ, tài liệu có liên quan cho CCV qua phương tiện điện tử. CCV kiểm tra, đối chiếu thông tin trên các cơ sở dữ liệu có liên quan, soạn thảo hợp đồng, giao dịch trên phần mềm chuyên dụng, chứng kiến các bên ký số vào hợp đồng, giao dịch thông qua phương tiện truyền hình trực tuyến và CCV ký số để tạo lập văn bản công chứng điện tử.
Trường hợp hồ sơ công chứng, quy trình công chứng hợp lệ, cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc tự động ghi số công chứng, tự động gửi thông báo và văn bản công chứng điện tử cho người yêu cầu công chứng theo phương thức liên lạc điện tử mà người yêu cầu công chứng đăng ký tại thời điểm yêu cầu công chứng.
Đề xuất của Bộ Tư pháp về công chứng điện tử được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công chứng. Quy định mới sẽ giúp việc gửi và nhận thông tin nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm hơn; việc công chứng được thực hiện từ xa, rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian, tiết kiệm chi phí…
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn. Theo như quy trình hiện hành, khi tiếp nhận công chứng hợp đồng để công chứng, CCV phải trao đổi trực tiếp với người cần công chứng và mọi yêu cầu công chứng đều phải có giấy tờ chứng minh.
Quá trình công chứng, CCV sẽ phải kiểm tra tính thật giả của giấy tờ mà người yêu cầu công chứng cung cấp, có khi phải dùng máy soi hay tham vấn chuyên gia để đưa ra quyết định. Vì vậy, khi hướng tới công chứng điện tử, cơ quan quản lý cần có quy định về quy trình cụ thể, tránh phát sinh các tình huống ngoài ý muốn, ví dụ như câu chuyện sử dụng giấy tờ giả chẳng hạn.
Bộ Tư pháp cho hay, dự thảo luật nêu trên chỉ quy định những vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử. Các vấn đề cụ thể hơn về điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, quy trình công chứng điện tử, việc xây dựng, quản lý khai thác cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc… sẽ được giao cho Chính phủ quy định.
Cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc
Dự thảo do Bộ Tư pháp xây dựng cũng đề xuất quy định về Cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc.
Theo đó, Cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc gồm dữ liệu về các văn bản công chứng đã được CCV chứng nhận và hồ sơ công chứng kèm theo, dữ liệu ngăn chặn và cảnh báo rủi ro đối với với tài sản, nhân thân của người yêu cầu công chứng.
Về giá trị pháp lý, văn bản công chứng điện tử là dữ liệu gốc, có giá trị chứng cứ đã được chứng minh. Hồ sơ công chứng kèm theo văn bản công chứng điện tử có giá trị pháp lý như hồ sơ giấy.
Văn bản công chứng giấy đã có hiệu lực, được số hóa và lưu trữ trên Cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc có giá trị như văn bản công chứng giấy được lưu trữ tại tổ chức hành nghề công chứng. Hồ sơ công chứng kèm theo văn bản công chứng giấy có giá trị như hồ sơ giấy được lưu trữ tại tổ chức hành nghề công chứng.
Theo báo Thanh Niên