Trong tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật và sau 1 ngày rưỡi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi); dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đây là những nội dung sẽ trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề Pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề có nên kế thừa mô hình văn phòng công chứng hợp danh theo luật hiện hành phải có từ hai công chứng viên, hay bổ sung thêm loại hình văn phòng công chứng do 1 công chứng viên thành lập để đáp ứng yêu cầu xã hội hóa trong lĩnh vực công chứng.
Có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực công chứng, chị Nguyễn Duyên (công chứng viên Văn phòng Công chứng Cầu Giấy) nhận thấy quy định về văn phòng công chứng theo mô hình hợp danh, tức là phải có 2 công chứng viên trở lên sẽ phù hợp với những vùng đô thị, có kinh tế xã hội phát triển, còn đối với những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì loại hình văn phòng công chứng có quy mô nhỏ do một công chứng viên làm chủ là rất phù hợp.
Cùng quan điểm này, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định chỉ có thành viên hợp danh và không chấp nhận hình thức nhận góp vốn và văn phòng công chứng không được mở chi nhánh văn phòng đại diện là một cơ chế bất cập.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cả cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đều phải củng cố những dẫn chứng thuyết phục hơn cho việc nên giữ mô hình công chứng hợp danh như luật hiện hành, hay bổ sung mô hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng công chứng về mặt nguyên lý là một nghề tư pháp. Do đó, cần cân nhắc các quy định nhằm đảm bảo về mặt quản lý nhà nước cũng như có thể đảm bảo tiếp cận của người dân.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Truyền hình Quốc hội Việt Nam